Thanh Hóa hay gọi là xứ Thanh, ôm trọn vào mình một bãi biển với những bãi tắm đẹp nhất của vùng Trung du Bắc Bộ. Giữa cái nắng oi ả của mùa hè, Sầm Sơn chào đón du khách như người bạn thân thiện, Hòa mình vào biển xanh sóng bạc, hít thở làn gió mát từ khơi xa thổi vào, và bạn hãy lắng nghe huyền thoại của những thắng tích, ấy là những câu chuyện về khát vọng sinh tồn của ngư dân làng biển nơi này!
Núi Trường Lệ
Là dãy núi dài màu xanh thẫm, những đường cong lượn tự nhiên của núi tựa thân hình người phụ nữ kiều diễm. Truyền thuyết kể, xưa có người đàn bà mang thai, bị trận đại hồng thủy cuốn trôi ra biển, rồi dạt vào bờ và nằm tại đây nguyện đem thân mình làm con đê chặn đứng cơn triều cường và luồng sóng dữ. Đến một ngày đẹp trời, từ trong cái bụng của người đàn bà mắc cạn, chui ra một cậu bé khổng lồ. Cậu chỉ cần hút khí trời, thở gió biển cũng đủ để lớn nhanh như thổi. Thương mẹ, ngày ngày cậu bé vác đất đá xung quanh đắp lên thi hài mẹ. Nấm mồ cứ dần cao thành ngọn núi Trường Lệ mang hình dáng người mẹ biết hy sinh vì nghĩa lớn tồn tại mãi mãi cùng trời biển, sóng nước, tạo thêm vẻ đẹp kỳ thú, huyền tích cho biển Sầm Sơn!
Tham khảo: Khach san FLC Luxury Sam Son
Đền Độc Cước
Vùng biển Sầm Sơn xưa có bọn quỷ đỏ hay đến làm hại cư dân. Hồi bấy giờ, đất làng chài có một chú bé mồ côi cha, vừa chui ra khỏi bụng mẹ đã lớn nhanh như thổi. Hột lúa lớn bằng người ôm, trái cà con nặng bằng một người gánh, mà vẫn không đủ nuôi chú bé. Dân làng đã cùng góp cơm, sẻ gạo nuôi nấng, chẳng mấy chốc chú bé đã trở thành một chàng trai khổng lồ. Ghi ơn dân làng, chàng trai đã vượt lộng ra khơi đánh thắng bọn quỷ đỏ ngoài biển bảo vệ ngư dân. Chưa thôi, bọn quỷ đỏ lại tấn công vào đất liền cướp phá, tàn sát cư dân khắp làng. Trong tình cảnh này, chàng trai bèn nghĩ ra cách: tự xẻ đôi thân mình, một nửa đứng chấn ngự trên đỉnh Sầm Sơn, một nửa theo bè mảng ra khơi hộ vệ dân chài. Mỗi khi bọn quỷ đỏ lấn vào bờ nhìn lên thấy chàng khổng lồ sừng sững đứng trên núi; khi ra biển lại cũng thấy chàng hiên ngang trên mảng, y như trên đỉnh núi vậy. Khiếp sợ, lũ quỷ đỏ phải xiêu bạt đi nơi khác kiếm ăn, không dám bén mảng đến vùng biển này nữa. Trên đỉnh núi Sầm Sơn từ đó có một tảng đá in lõm vết chân người, là dấu chân chàng khổng lồ ngày đêm đứng canh trời biển, được dân làng tôn là Thần Độc Cước và lập đền thờ trên đỉnh hòn Cổ Giải.
Câu chuyện về Thần Độc Cước và ngôi đền cổ kính tối linh từ có sức hấp dẫn kì lạ đối với người xứ Thanh cũng như du khách muôn phương. Hằng năm vào những ngày đại lễ, nhân dân và khách thập phương lại nô nức kéo nhau về trẩy hội, chiêm bái vị thần Độc Cước Sơn Triều cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, bách gia trăm họ luôn gặp may mắn và điều tốt lành trong cuộc sống.
Hòn Trống Mái
Thưở ấy, biển dâng nước mặn tràn khắp vùng Sầm Sơn, người và vạn vật đều bị nước cuốn trôi ra biển… duy nhất, chỉ có một cặp vợ chồng trẻ nhờ bám được vào cây cao mà sống sót. Nước biển rút, để lại sự chết chóc tàn lụy, đến một ngọn cỏ một lá rau cũng không còn. Hai vợ chồng trẻ nhìn lên đỉnh núi Trường Lệ, thấy hai con chim Diều Hâu đang chao liệng, đoán biết có gì ăn được, người chồng để vợ dưới chân núi, còn anh cố bám đá, bám cỏ leo lên núi mong tìm được cái ăn trở về. Từ lúc ấy, người vợ cứ ngóng chừng lên núi trông chồng, nhưng lần lữa từ buổi này sang buổi khác, từ ngày này sang ngày khác cũng không thấy chồng về. Không dằn lòng được nữa, chị lần theo vết chân của anh. Đến một quả núi kia, chị gặp một bày quạ bay lượn cất tiếng kêu qụa!quạ! linh tính mách bảo điềm không lành. Mệt mỏi… rồi hy vọng, chị ước có một đôi cánh để bay lên tìm chồng nhưng than ơi! chị chỉ có một đôi tay và một đôi chân mỏi đến rã rời. Chị vẫn kiên trì cố bám đá, bám cỏ mà leo và như linh tính mách bảo, chị thấy người chồng thương yêu đã chết bên vách núi từ bao giờ! Kiệt sức và đau đớn, chị gục chết bên xác chồng không kịp một lời than kêu nức nở.
Nạn đại hồng thủy qua đi, Sầm Sơn trời biển lại xanh trong, sóng vỗ nhẹ nhàng. Bày tiên nữ giáng trần ngoạn cảnh, chứng kiến cảnh cặp vợ chồng trẻ trong nạn đại hồng thủy đã cùng sống chết bên nhau. Cảm động về mối tình thủy chung trong sáng, bày tiên đã hóa đôi vợ chồng trẻ thành đôi chim để ngày ngày quấn quýt bên nhau, cùng ước nguyện về một cuộc sống yên bình, ngày ngày nhảy múa, hát ca cùng bày tiên nữ .
Ngày bày tiên nữ phải về trời, muốn đôi chim về cùng nhưng vì lưu luyến và yêu thương xóm làng, đôi chim xin bày tiên cho ở lại trần gian sống cùng dân làng. Chiều lòng, bày tiên nữ đồng ý và vỗ cánh về trời, đôi chim định vỗ cánh tiễn đưa nhưng kỳ lạ, thân mình đã hóa đá từ bao giờ…và đôi chim đá từ đó được người dân chài làng biển gọi tên Hòn Trống Mái.
Tham khảo: FLC Luxury Resort Sầm Sơn
Đăng nhận xét